Tài chính Thứ sáu, 25/08/2017, 09:19 GMT+7
Bài học cho khu vực đồng euro từ nhiều năm khủng hoảng đau đớn của Hy Lạp

Hy Lạp đã phải thích nghi trong suy thoái bởi họ đã không làm được như thế trong thời kỳ thịnh vượng trước khủng hoảng.

a25 greek

Hy Lạp cuối củng cũng tăng trưởng trở lại. Nhưng có thể cho rằng họ là thất bại lớn nhất của khu vực đồng euro. Bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nợ với thâm hụt chi tiêu chính phủ 15% trong năm 2009, đất nước này đã trãi qua tám năm kinh tế thụt lùi. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn là 23%, với tỷ lệ người trẻ tuổi thất nghiệp đến 45%. “Cuộc Đại Suy thoái” của Hy Lạp cũng trầm trọng như của Hoa Kỳ trong những năm đầu thập niên 1930, nhưng kéo dài hơn gấp đôi.

Châu Âu có thể học hỏi được từ kinh nghiệm đau thương của Hy Lạp không? Bài học đầu tiên chính là cải cách ngay từ đầu. Hy Lạp đã phải thích nghi trong suy thoái bởi họ đã không làm được như thế trong thời kỳ thịnh vượng trước khủng hoảng. Các cải cách phải được thực hiện trong thời kỳ tăng trưởng, khi người dân tự tin và những người bị thua lỗ có thể được bù đắp. Tăng trưởng có thể tạo thêm thời gian để tiến hành cải cách, nhưng không nên được dùng để viện dẫn như một minh chứng rằng cải cách là không cần thiết. Khu vực đồng euro hiện đang trong thời kỳ phục hồi hậu khủng hoảng mạnh mẽ nhất. Nhưng họ nên tránh tự mãn. Cải cách là cần thiết cho sự tồn tại lâu dài của liên minh tiền tệ. Họ cần một ngân sách bình ổn và khả năng vay vốn chung; chia sẽ rủi ro lớn hơn; và liên kết tài chính để phá bỏ vòng lẩn quẩn giữa các ngân hàng và chính phủ.

Sau cuộc bầu cử vào tháng Chín tại Đức và giả định rằng ông Emmanuel Macron có thể thực hiện được các cải cách ở Pháp, châu Âu sẽ ở đỉnh cao trong chu kỳ chính trị của mình. Đây là thời điểm để đẩy mạnh các cải cách trong khu vực đồng euro. Chúng sẽ đòi hỏi những nhượng bộ đau đớn: người Đức từ chối bảo hiểm tiền gửi chung hay hỗ trợ tài khóa, người Pháp không muốn từ bỏ kiểm soát đối với ngân sách quốc gia và người Ý từ chối trần lãi suất ngân hàng đối với nợ quốc gia.Nhưng điều gì đó phải được nhượng bộ.

Bài học thứ hai là sử dụng cân bằng kinh tế chính trị. Phải có không gian trước những chính sách hạn chế. Từ năm 2010, các chính sách tài khóa và thu nhập tại Hy Lạp đã bị thu hẹp nặng nề. Việc mở rộng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu không chạm đến được nơi này. Hy Lạp đã theo đuổi một nhiệm vụ gần như bất khả thi, dựa vào tình trạng mất giá do suy thoái trong nước để lấy lại khả năng cạnh tranh trong khi phải tăng trưởng để giảm nợ có liên quan đến tổng sản phẩm quốc nội. Hy Lạp cần được hỗ trợ từ một gói kích thích nhu cầu trong khu vực đồng euro, lạm phát khu vực đồng euro gần 2% hay được chia sẽ rủi ro đúng mức trong khối. Họ đã không nhận được gì cả.

Bài học thứ ba là giải quyết tình trạng manh mún tài chính. Các ngân hàng sụp đổ vì một chính phủ thiếu tiền hoặc vỡ nợ - tình huống càng xấu hơn khi vốn rời đi. Các công ty cố gắng bù chi phí vốn cao bằng cách áp chế tiền lương, trong khi sản xuất thu hẹp do thiếu đầu tư. Đây không phải cách để vận hành một liên minh tiền tệ. Một liên minh ngân hàng thật sự sẽ hạn chế sự lây lan từ ngân hàng sang nhà nước. Một kế hoạch bảo hiểm tiền gửi chung sẽ đảm bảo cho người gửi tiền rằng châu Âu đứng đằng sau họ.

Thứ tư, mở rộng tài chính phi ngân hàng. Thứ năm, giải quyết các khoản nợ xấu. Hành động đối với nợ xấu của Hy Lạp có quá ít và quá trễ.

Thứ sáu, tập trung vào sự hội tụ thật sự, không chỉ trên danh nghĩa. Hy Lạp đã giải quyết được các thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng vẫn để lại một di sản bạc nhược. Từ năm 2009 đến năm 2016, sản lượng thực tế đã giảm 13.7 điểm phần trăm. Đầu tư giảm từ 22% xuống 12% GDP. Thay vì lập lại thảm họa này, chi tiêu đầu tư trong khu vực đồng euro nên được bảo vệ tránh suy thoái và các cắt giảm tài khóa. Cần chú trọng đến gia tăng năng suất và tăng trưởng tiềm năng.

Cuối cùng, theo dõi bức tranh toàn diện. Thách thức lớn nhất của Hy Lạp là chuyển đổi sang tăng trưởng theo hướng xuất khẩu, nâng cao năng suất, gia tăng tỷ lệ tham gia lao động vài cải thiện xu thế dân số già nua của mình. Khu vực đồng euro già nua cũng phải giải quyết tình trạng tăng trưởng năng suất đang chậm lại của mình, tập trung vào hội nhập thật sự, nghĩ ra các chiến lược điều chỉnh không lấy đi những gì tốt đẹp và tươi sáng nhất của khu vực đồng euro.

Phong Lữ lược dịch
Theo The Financial Times

Tin liên quan:
Tin mới hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1