Doanh nghiệp Việt Nam bán cà phê đầu tiên vào châu Âu với hồ sơ không phá rừng và được đánh giá tốt |
Theo Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Thời hạn để thực thi EUDR đối với doanh nghiệp có quy mô lớn là tháng 12/2024, đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tháng 6/2025. Cần làm rõ diện tích cây cà phê hiện nay là 700.000 ha hay 600.000 ha? EUDR không chỉ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, mà quan trọng hơn là yêu cầu các sản phẩm đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng lao động, điều kiện lao động cho người nông dân và những quy định khác liên quan đến lao động. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết niên vụ cà phê 2023 - 2024 đã trải qua được 6 tháng. Theo số liệu thống kê cả nước đã xuất khẩu trên, dưới 950.000 tấn cà phê, với kim ngạch hơn 3 tỷ USD, giảm gần 1% về số lượng nhưng tăng 40% về kim ngạch. Tồn kho niên vụ 2022 – 2023 chuyển qua niên vụ 2023 – 2024 là thấp nhất so với các niên vụ trước. Vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động mạnh lên sản xuất cà phê toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam hiện tượng El Nino gây ra khô hạn làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng cà phê tại các vùng trồng cà phê. Mặt khác, do giá cà phê qua nhiều năm quá thấp đã có một số diện tích cà phê chuyển đổi cây trồng khác kinh tế cao hơn làm ảnh hưởng lớn đến diện tích của cây trồng này. Chia sẻ quan điểm Chủ tịch Vicofa, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cho rằng Việt Nam có 700.000 ha trồng cà phê nhưng thực chất hiện còn bao nhiêu thì không ai xác định được, tuy nhiên theo ý kiến của hiệp hội và các doanh nghiệp cả nước hiện chỉ còn 600.000 ha, như vậy đã mất hơn 100.000 ha, nhưng đến nay số liệu thống kê vẫn giữ con số 700.000 ha. Ngành hàng cà phê mong muốn các cơ quan chức cần thiết phải làm rõ diện tích cây cà phê hiện nay là bao nhiêu. "Muốn biết diện tích cà phê Tây Nguyên hãy nhìn vào sản lượng bán ra từ tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng sẽ thấy, tỉnh Lâm Đồng tuy có diện tích thấp hơn nhưng sản lượng đạt gần 500.000 tấn, trong khi sản lượng cà phê bán ra ở Đắk Lắk chỉ hơn 400.000 tấn, có phải do năng suất của Đắk Lắk kém hay vì diện tích ở Đắk Lắk đã bị giảm?", ông Nam đặt vấn đề. Để xác định đất trồng cà phê không vi phạm EUDR, Việt Nam cần phải hoạch định bản đồ của những vùng trồng cà phê “Vấn đề của ngành cà phê Việt Nam hiện nay là làm sao ổn định được diện tích và sản lượng, chúng ta có một lợi thế là từ ngày 1/1/2025, tất cả sản lượng cà phê trồng trên đất phá rừng sẽ không vào được thị trường châu Âu, nhưng qua tìm hiểu từ ICO cũng như tìm hiểu của Vicofa thì Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ an toàn nhất về xuất khẩu cà phê vào châu Âu. Chúng tôi đã bắt đầu bán lô hàng đầu tiên vào châu Âu với hồ sơ là không phá rừng và được đánh giá khá ổn. Rõ ràng đây là một lợi thế mà không phải nước nào cũng làm được vì phá rừng là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu và chính phủ các nước không dễ dàng gì tham gia giải quyết bài toán này, nhưng may mắn là Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và giải quyết tốt vấn đề”, ông Nam nhấn mạnh. Theo TS. Nguyễn Trọng Cương, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), để cây cà phê đáp ứng quy định EUDR cần phải thiết lập cơ sở dữ liệu rừng để EU sử dụng. Thiết lập ranh giới rừng, diễn biến rừng để làm căn cứ, cơ sở cho các ngành chứng minh sản phẩm đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng bản đồ và dữ liệu rừng, bản đồ vùng sản xuất theo mốc thời gian mà EUDR quy định. Đặc biệt, ngành cà phê cần thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ trang trại đến các đại lý tại địa phương. Bà Vanúsia Nogueira, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết để xác định đất trồng cà phê không vi phạm EUDR, Việt Nam cần phải hoạch định bản đồ của những vùng trồng cà phê, và cần phải biết từng hộ sản xuất trong vùng đó. Ví dụ, Việt Nam cần có một bản đồ liên kết của những hộ sản xuất với nhau. Từ đó, quy hoạch thiết kế một đồn điền trồng cà phê với các hộ có diện tích trồng cà phê liền kề. “Sau khi xem xét kỹ chúng tôi sẽ thông báo cho Liên minh Châu Âu danh sách các nhà sản xuất nằm trong bản đồ đồn điền để họ kiểm tra qua hình ảnh bản đồ vệ tinh, đồng thời xem có cảng xuất khẩu nào trong khu vực đó không? Nếu có thì các nhà điều hành nhập khẩu cà phê vào châu Âu sẽ được thông báo là ở đấy có cảng xuất khẩu. Nhà nhập khẩu sẽ được thông báo khi hàng đã xuất cảng, khi đó tiền sẽ được trả và chúng tôi sẽ kết thúc giao dịch bằng tiền để trả cho hàng hóa sản phẩm”, bà Vanúsia Nogueira nói. Vẫn theo bà Vanúsia Nogueira, để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, các cơ quan quản lý cần quan tâm theo dõi những diễn tiến hiện tại ở châu Âu. Tìm hiểu và tuân thủ những quy định để đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường phù hợp theo quan điểm chấp nhận của xã hội châu Âu. “Tốt nhất là các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra lối đi riêng để chứng minh sản phẩm của mình là ổn và thỏa mãn những yêu cầu và giới hạn theo tiêu chuẩn châu Âu”, bà Giám đốc điều hành ICO khuyến cáo. Theo BizLive Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|