Doanh nghiệp Thứ sáu, 29/05/2020, 10:03 GMT+7
Cột mốc quan trọng: Tiêu thụ than giảm so với năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ

Lần cuối cùng Hoa Kỳ tiêu thụ nhiều năng lượng tái tạo hơn than là vào thế kỷ 19, khi thủy điện chỉ mới bắt đầu và đốt gỗ là nguồn nhiên liệu chính.

m29 coal

Giờ đây, điều đó lại xảy ra một lần nữa, khi vào năm ngoái quốc gia này tiêu thụ nhiều năng lượng từ các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và gió hơn là từ than đá, lần đầu tiên kể từ trước năm 1885.

Cột mốc này, được Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào thứ Năm, 28/5, cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ rời khỏi than đá bất chấp những hứa hẹn thúc đẩy ngành công nghiệp này của Tổng thống Donald Trump.

Theo EIA tiêu thụ than của Mỹ đã giảm thêm 15% trong năm ngoái xuống mức yếu nhất kể từ năm 1964. Năm sụt giảm thứ sáu liên tiếp ngay cả khi ông Trump đã cắt giảm các quy định môi trường và đưa một cựu vận động hành lang cho ngành than vào lãnh đạo EPA.

Ngược lại, năng lượng tái tạo tiếp tục bùng nổ khi chi phí giảm và những lo ngại về biến đổi khí hậu gia tăng. EIA cho biết, tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, năm tăng trưởng thứ tư liên tiếp.

"Chúng ta đang xa rời than đá một cách ổn định, nhất quán và nhanh chóng,” theo Dennis Wamsted, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện phân tích tài chính và kinh tế năng lượng. "Chính quyền Trump hoàn toàn không thể xoay chuyển quá trình thị trường chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sạch hơn và rẻ hơn."

Than đã đóng một vai trò chủ đạo trong mạng lưới năng lượng của Mỹ từ những năm 1880. Than được thay thế bằng khí đốt tự nhiên, nhiên liệu hóa thạch đốt sạch hơn, vào năm 2016, một sự chuyển đổi nhờ khí tự nhiên dồi dào giá rẻ từ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến và các quy định môi trường nghiêm khắc hơn.

Hiện tại, than phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ các năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thủy điện và địa nhiệt. Năng lượng gió đặc biệt phát triển nhanh và năm ngoái, lần đầu tiên việc phát điện từ gió đã vượt qua thủy điện và hiện là hình thức phát điện tái tạo phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Điều quan trọng cần lưu ý là số liệu thống kê EIA công bố hôm thứ Năm chỉ đo mức tiêu thụ, không phải sản xuất điện. Từ quan điểm đó, than đá vẫn còn dẫn đầu so với năng lượng tái tạo, ít nhất là cho đến nay.

Lần đầu tiên Hoa Kỳ tạo ra nhiều điện từ năng lượng tái tạo hơn than diễn ra vào tháng 4/2019, và điều có khả năng xảy ra ở hàng năm lần đầu tiên vào năm 2020, bất chấp những gián đoạn vì đại dịch virus corona.

"Mọi người muốn năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp đang yêu cầu năng lượng tái tạo," ông Wamstead nói. "Họ đang được người tiêu dùng thúc đẩy."

Các công ty điện lực đang nhanh chóng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than để ủng hộ khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo dưới áp lực từ công chúng và các cổ đông. Xcel Energy và Duke Energy, những công ty năng lượng từ lâu vẫn dựa vào than đá, đã cam kết sẽ không có carbon trong những thập kỷ tới.

Chỉ trong tuần này, cam kết mới nhất đến từ Southern Company, công ty sản xuất 27% năng lượng từ than đá và 47% từ khí đốt tự nhiên, tuyên bố tại cuộc họp cổ đông thường niên mục tiêu mới với mức khí thải bằng 0 vào năm 2050.

Hãng này trước đây hứa sẽ giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 - một mục tiêu hiện dự kiến sẽ đạt được vào đầu năm 2025.

Hứa hẹn từ bỏ than đá, các công ty năng lượng hiện đang phải đối mặt với áp lực từ các cổ đông và các nhà hoạt động để từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng cách từ bỏ cả khí đốt tự nhiên. Từ lâu được coi là nhiên liệu cầu nối, ngày càng có nhiều lo ngại về khí thải và rò rỉ khí methane do sử dụng khí đốt tự nhiên.

"Đây sẽ là trận chiến tiếp theo," ông Wamsted nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1