Tài chính Thứ ba, 08/05/2018, 09:50 GMT+7
Những mối lo lớn nhất của các quan chức tài chính châu Á

Theo các quan chức chính phủ khu vực châu Á, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc bình thường hóa lãi suất Mỹ là những mối quan ngại hàng đầu đối với sự phát triển của khu vực này.

m8 finance

Khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc gặp nhau trong các cuộc thảo luận thương mại ở Bắc Kinh, châu Á theo dõi các cuộc đàm phán thật sát sao để tìm ra các dấu hiệu nhượng bộ từ hai phía có thể giúp tránh được một cuộc chiến về thuế.

Trong khi các khoản thuế trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất kinh tế làm cả thế giới lo lắng, chúng đặc biệt gây lo ngại cho châu Á – khu vực nơi thịnh vượng kinh tế đồng nghĩa với xuất khẩu và các thị trường mở.

Bất kỳ tác động nào từ một cuộc chiến thương mại lên Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của người khổng lồ kinh tế này.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á ở Manila, Bộ trưởng tài chính Philippine, ông Carlos Dominguez, cho rằng “một cuộc chiến thương mại tiềm tàng đang xảy ra, có thể xảy ra,” là nguy cơ chính đối với ông. “Cũng như những ý tưởng ở một số quốc gia Phương Tây rằng thương mại không phải là động cơ cho tăng trưởng… là mối đe dọa rất lớn.”

Vongsey Vissoth, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Cambodia, cho rằng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đất nước của ông chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

“Trung Quốc là một nguồn đầu tư của Cambodia, cũng như là nguồn thu cho du lịch,” ông nói. “Vì thế, nếu có điều gì xảy ra cho Trung Quốc, nó cũng sẽ xảy ra với Cambodia.”

Các khoản thuế của tổng thống Donald Trump áp đặt lên Bắc Kinh có thể có ảnh hưởng lan tỏa lên Đông Nam Á vì khu vực này đóng góp rất lớn vào xuất khẩu Trung Quốc.

Ngoại trừ những mối lo về thương mại, “những điều khác khiến chúng tôi lo lắng là quá trình bình thường hóa… có thể gây ra một vài cú shock,” ông Dominguez nói, đề cập đến các đợt nâng lãi suất của Quỹ Dự trữ Liên Bang Mỹ. “Đây là một yếu tố gây gián đoạn,” nhưng là điều kinh tế Philippine đã chuẩn bị sẳn sàng, ông nói.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, cũng ủng hộ những quan điểm này. Các nền kinh tế châu Á sẽ điều chỉnh như thế nào trước mức bình thường mới –lãi suất cao hơn trong nền kinh tế lớn nhất thế giới – sẽ có hiệu ứng domino đáng kể đối với các thị trường toàn cầu.

Các thay đổi trong chính sách tiền tệ Mỹ luôn là nguồn gốc của bất ổn, nhưng kinh tế Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – đã chuẩn bị để đón nhận bất kỳ thay đổi nào với mức gián đoạn tối thiểu, bà nói. Chính phủ Indonesia cũng đang giảm thâm hụt ngân sách nhằm đảm bảo họ có đủ khoản trống tài khóa để đối phó với bất kỳ cú shock nào.

Khánh Lâm lược dịch

Theo CNBC


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1